NHÀ ĐẤT HỒNG PHÁT

Tin tức

Diện mạo mới trên vùng đất anh hùng

27-05-2020 11:26:31 PM - 1093

 

                                                                                                          Diện mạo mới trên vùng đất anh hùng

Nông nghiệp ở Lộc Ninh được cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Lộc Ninh thay áo mới

Tháng 4 lịch sử, quân và dân huyện Lộc Ninh đang có nhiều hoạt động kỷ niệm giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972), 45 năm giải phóng miền nam (30-4-1975 – 30-4-2020) và chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 (đơn vị cấp huyện đại hội điểm của tỉnh Bình Phước). Sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của đảng, chính quyền các cấp, quân và dân huyện Lộc Ninh hăng hái thi đua sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng vùng đất anh hùng có diện mạo khang trang.

Về Lộc Ninh hôm nay, điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là giao thông thông suốt kết nối Lộc Ninh với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh thuộc Cam-pu-chia thông qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và cửa khẩu Lộc Thịnh. Là huyện biên giới có diện tích lớn nhất, có nhiều đơn vị hành chính nhất của tỉnh Bình Phước (một thị trấn và 15 xã), Lộc Ninh vận dụng mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nội vùng hoàn thiện, nhất là các tuyến đường liên xã, trục chính xuống các thôn, ấp được rải nhựa, bê-tông. Các tuyến đèn đường chạy theo khu dân cư được đầu tư xây dựng, ban đêm đèn đường sáng tận cửa mỗi nhà. Điện - đường - trường - trạm hoàn thiện đã nâng cao một bước đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Giao thông kết nối Lộc Ninh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia được đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân đưa ra con số so sánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Lộc Ninh: nếu như vào năm 1980, mọi chỉ tiêu về hạ tầng, nhất là điện lưới, trường học, trạm y tế… gần như là con số 0 thì nay được xây dựng kiên cố, khang trang. Đường nhựa đã vào đến trung tâm toàn bộ 16/16 xã, thị trấn và trục chính xã được rải bê-tông, 98,77% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, 10 trong số 15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, năm xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng nông – lâm – thủy sản, tăng công nghiệp – xây dựng – thương mại – dịch vụ. Nông nghiệp chuyển hướng mạnh sang mô hình trang trại lớn, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất.

Với sự định hướng của các cơ quan chuyên môn, người dân năng động, sáng tạo trong làm ăn đã tạo ra phong trào thi đua lao động, sản xuất sôi nổi. Đến nay, toàn huyện Lộc Ninh có hơn 3.100 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, trong đó, không ít hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều người đến tham quan, học tập; cho các hộ khó khăn vay hàng trăm triệu đồng không tính lãi; giúp hộ nghèo cây giống, con giống để nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tích cực đóng góp vật chất xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Lộc Ninh đạt 60 triệu đồng/ năm.

Vùng đất Lộc Ninh hiện nay có rất nhiều hộ nông dân thu nhiều tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như gia đình ông Đỗ Bá Hà ở ấp Việt Quang, xã Lộc Quang là điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Mặc dù giá nông sản chủ lực như cao-su, hồ tiêu giảm mạnh nhưng nhờ biết trồng tiêu, cao-su xen canh cây bắp, kết hợp chăn nuôi dê trên diện tích gần 20ha, mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông Hà thu về hơn hai tỷ đồng. Trang trại của ông đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 20 lao động thường xuyên, bình quân thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Còn tại xã Lộc Hưng, có “đại gia quýt đường” Nguyễn Hữu Nghĩa. Với diện tích chỉ 1,5ha trồng quýt đường theo kỹ thuật sinh học, mỗi năm anh Nghĩa thu khoảng 45 tấn quả. Chỉ tính giá trung bình khoảng 30 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn một tỷ đồng.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở Lộc Ninh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

Lộc Ninh có lợi thế lớn, như: quỹ đất rộng, khí hậu ôn hòa, ít khi xảy ra thiên tai, nền đất cao ráo, phù hợp cho phát triển công nghiệp – đô thị. Đồng chí Hoàng Nhật Tân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết thêm: Lộc Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp như đất rộng, giao thông thuận tiện, cửa ngõ kết nối với Bình Phước, Cam-pu-chia, Lào… Những tiềm năng, lợi thế ấy đã được hiện thực hóa bằng hai dự án lớn, đó là: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lưu (Khu kinh tế Hoa Lư) và “cánh đồng” điện mặt trời. Các dự án đang được triển khai nhanh chóng, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Đây là những dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện nay, Khu kinh tế Hoa Lưu đã hình thành với diện tích quy hoạch 28.364ha, tổng vốn đầu tư hệ thống hạ tầng được duyệt hơn 507 tỷ đồng. Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Phước Nguyễn Minh Chiến cho biết: Trong những năm gần đây, Bình Phước đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử. Cùng với đó, tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định, thủ tục trong lĩnh vực điều hành, quản lý kinh tế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, qua đó cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhờ gỡ được nút thắt thủ tục đầu tư nên nhiều doanh nghiệp tìm đến Bình Phước, nhất là Khu kinh tế Hoa Lưu. Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho hơn 100 nhà đầu tư thực hiện dự án với diện tích khoảng 2.000ha. Trong số đó, hơn 25% số doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định trên diện tích 117 ha; 15% số nhà đầu tư đang thực hiện dự án; số còn lại đang giải phóng mặt bằng.
Dự án điện mặt trời đang được Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng để xây dựng đường dây và trạm biến áp 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 truyền tải điện từ nhà máy điện mặt trời đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia. Công trình đi vào hoạt động sẽ truyền tải hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng lên đến 1.200 MWp. Đơn vị này cũng đang tập trung xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện mặt trời, gồm: Lộc Ninh 1 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 2 công suất 200 MWp, Lộc Ninh 3 công suất 150 MWp, Lộc Ninh 4 công suất 200 MWp…

Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Hải cho biết: Khi đầu tư vào Bình Phước, đơn vị được tỉnh hỗ trợ rất nhiều về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thi công đường dây 220kV Lộc Ninh – Bình Long 2, khi đơn vị gặp khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bình Phước xuống hiện trường chỉ đạo giải quyết. Dự án đang vướng các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lãnh đạo tỉnh luôn sát cánh cùng đơn vị gỡ khó, giúp đẩy nhanh tiến độ.

 

Tại huyện Lộc Ninh, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền nam Việt Nam (từ năm 1972 – 1975) hay còn gọi là “Rừng Chính phủ” (Căn cứ Tà Thiết) được tỉnh Bình Phước đầu tư hơn 300 tỷ đồng để tôn tạo và phát huy giá trị. Khu căn cứ Tà Thiết đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và nước ngoài có mong muốn tìm hiểu một phần lịch sử của dân tộc và tận hưởng không khí trong lành. Mới đây, điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu Bồn xăng – Kho nhiên liệu VK98 ở xã Lộc Quang được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt nằm trong hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.

Công tác chăm sóc sử khỏe được quan tâm nhờ hệ thống y tế được xây dựng đồng bộ, khang trang.

 

 

 

 

Bài viết khác

Chủ đầu tư
ĐĂNG KÝ ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI VÀ TƯ VẤN MIỄN PHÍ

Chúng tôi luôn tư vấn và hỗ trợ khách hàng tốt nhất

zalo